CHÍNH PHỦ QUYẾT TÂM ĐẠT MỨC TĂNG TRƯỞNG 6,2%
Phấn đấu giảm nợ xấu xuống dưới mức 3%
Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2015 của Chính phủ; tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo chuyển biến thực sự trong năm 2015, nhất là về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 19/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án trong 3 năm 2013-2015 và đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm gắn với kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng; tăng cường giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu, phấn đấu giảm nợ xấu xuống dưới mức 3% vào cuối năm 2015; kiên quyết tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo lộ trình; bảo đảm cung ứng đủ tiền mặt cho nhu cầu của nền kinh tế, nhất là trước và sau Tết Nguyên đán.
Bộ Tài chính bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước, nhất là kế hoạch thu ngân sách nhà nước năm 2015, kể cả trong trường hợp giá dầu thế giới tiếp tục giảm; quản lý chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm các khoản chi ngân sách nhà nước; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định về quản lý giá, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế.
Đảm bảo trật tự an toàn xã hội
Bộ Công an chỉ đạo bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thực hiện quyết liệt công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả, bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và sau Tết Nguyên đán; chủ động phương án ứng phó với diễn biến thời tiết, phòng, chống dịch bệnh đối với vật nuôi, cây trồng và ngăn chặn tình trạng buôn lậu gia súc, gia cầm qua biên giới.
Tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội
Chính phủ cũng giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với người có công với cách mạng, người nghèo và đối tượng chính sách khác trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi; thực hiện hỗ trợ gạo kịp thời, đúng đối tượng.
Với quyết tâm từ chính phủ cũng như những tiền đề vững chắc trong năm 2014 hi vọng các mục tiêu kinh tế vĩ mô và tốc độ tăng trưởng 6,2% thực hiện được.
BẤT ĐỘNG SẢN CÓ LIÊN QUAN GI TRONG TÌNH HÌNH CHUNG CỦA NỀ KINH TẾ ?
Riêng về bất động sản trong năm 2015 theo nhận định của các chuyên gia “Mặc dù thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hồi phục nhưng về cơ bản vẫn tiếp tục khó khăn từ nay đến cuối năm và cả trong năm 2015”.
Nhận định trên được Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đưa ra tại một cuộc hội thảo về triển vọng thị trường được tổ chức cuối tuần qua.
Theo HoREA, trong 9 tháng 2014, thị trường bất động sản Tp.HCM đã có dấu hiệu hồi phục với số lượng giao dịch tăng, phân khúc thị trường căn hộ có quy mô vừa và nhỏ, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 vẫn là phân khúc thị trường chủ đạo và phát triển tương đối ổn định.
Bên cạnh đó, trong phân khúc cao cấp, những dự án có vị trí tốt, nhiều tiện ích của các chủ đầu tư uy tín vẫn được thị trường đón nhận, dù không bằng thời kỳ trước.
Đáng chú ý, Tp.HCM hiện vẫn còn hơn 8.600 căn hộ tồn kho. Trong đó, có hơn 1.100 căn hộ ở các dự án đã hoàn thành hoặc đang hoàn thiện; hơn 750 căn hộ còn lại chủ yếu là có diện tích lớn trên 70 m2, dự án ở vị trí không thuận lợi, chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật hoặc các dự án chậm tiến độ.
Trong khi đó, vấn đề vốn, lãi suất là yếu tố quan trọng hàng đầu của các doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn chưa cải thiện được là bao. Hầu hết các doanh nghiệp, chủ đầu tư vẫn phải vay với lãi suất ở mức 13%/năm và thị trường dường như vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào ngoài gói 30.000 tỷ đồng.
Trong khi đó gói 30.000 tỷ đồng giải ngân đến thời điểm này cũng mới chỉ đạt khoảng 10% và hiện tại Tp.HCM mới chỉ có 2 doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tín dụng từ gói hỗ trợ này.
Nói về thực tế này, Tổng giám đốc Công ty Phát triển nhà Thủ Đức Lê Chí Hiếu, cho rằng, mặc dù Quốc hội đang tập trung sửa đổi nhiều luật, tuy nhiên, tư duy pháp luật còn chưa thông thoáng, không liên thông giữa các bộ, ngành và các luật với nhau.
“Hiện nay cái khó nhất của doanh nghiệp bất động sản vẫn là thể chế, dường như quy định của nhà nước ngày càng phức tạp và khó khăn. Còn có rất nhiều quy định đang làm khó doanh nghiệp như các quy định về ký quỹ, bảo lãnh…”, ông Hiếu nói.
Để thị trường thể hồi phục và ổn định, HoREA kiến nghị tăng thời hạn cho người tiêu dùng vay lên đến 20 năm; ân hạn 3 năm đầu cho người tiêu dùng chưa phải lãi vay và nợ gốc; Ngân hàng Nhà nước thống nhất hướng dẫn các ngân hàng thương mại sau khi đã nhận được tài sản thế chấp là căn hộ hình thành trong tương lai, để đảm bảo cho khoản vay mua căn hộ này thì không đòi hỏi thêm thủ tục nào khác.
Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị ngân hàng xem xét cho doanh nghiệp đang đầu tư dở dang các dự án nhà ở thương mại quy mô dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 được vay vốn ưu đãi này để hoàn thiện nhà, góp phần tăng sản phẩm cho thị trường và giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu.
Tổ chức này cũng mong muốn Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước cho phép chủ đầu tư thứ cấp các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại dưới 1,5 tỷ đồng/căn khi bán nhà cho khách hàng cũng được vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
Megalands.vn